Hôm trước, mình đã viết bài tìm hiểu về Domain là gì và hôm nay, mình sẽ tiếp tục tìm hiểu một vấn đề liên quan tới domain đó là DNS. Không phải ai cũng hiểu hết về DNS và cách hoạt động của DNS. Vậy nên bài viết DNS những điều bạn cần biết sẽ chia sẻ thêm về những khái niệm cơ bản cũng như nguyên lý hoạt động của DNS từ đó giúp chúng ta có thể tận dụng được lợi thế của DNS áp dụng vào công việc cũng như một số thủ thuật dùng internet hàng ngày
Khái niệm DNS
DNS – domain name system, có nghĩa là hệ thống phân giải tên miền.
Như ở bài trước, ta biết rằng mỗi một domain sẽ là một định danh cho một server với một địa chỉ ip cố định. Khi chúng ta truy cập vào một website với một tên miền thì có nghĩa là chúng ta truy cập vào một địa chỉ ip của website đó thông qua tên miền. Và ở đây, DNS như là một phiên dịch viên, dịch các tên miền thành địa chỉ ip tương ứng và ngược lại.
Các loại DNS server
Root Name Server
đây là một name server có mục đích duy trì và cung cấp một danh sách các máy chủ authority cho mỗi tên miền cấp cao nhất (top-level domains) như .com, .org. Sau đó, các máy chủ tên miền ở mức top-level-domain có thể cung cấp các thông tin về địa chỉ của máy chủ authority cho tên miền ở mức second-level-domain chứa tên miền muốn tìm. uá trình tìm kiếm tiếp tục cho đến khi chỉ ra được máy chủ tên miền authority cho tên miền muốn tìm. Theo cơ chế hoạt động này thì bạn có thể tìm kiếm một tên miền bất kỳ trên không gian tên miền.
Một điểm đáng chú ý khác, quá trình tìm kiếm tên miền luôn được bắt đầu bằng các truy vấn gửi cho Root Name Server. Nếu như các máy chủ tên miền ở mức Root không hoạt động, quá trình tìm kiếm này sẽ không được thực hiện.
Để tránh điều này xảy ra, trên mạng Internet hiện tại có 13 hệ thống máy chủ tên miền ở mức Root. Các máy chủ tên miền này nói chung và ngay trong cùng một hệ thống nói riêng đều được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trên mạng Internet.
DNS Recursor
DNS recursor là server đóng vai trò liên lạc với các server khác để thay nó làm nhiệm vụ phản hồi cho client. Để lấy được thông tin, DNS recursor có thể sẽ cần gọi đến Root DNS Server để trợ giúp.
TLD Nameserver
Ở bài tìm hiểu về domain, ta biết rằng TLD – top-level-domain, là những tên miền cấp cao nhất. Và những server chứa TLD sẽ được gọi là tld name server. Những server này sẽ quản lý toàn bộ thông tin lưu trữ của TLD cũng như quản lý request liên quan tới chúng.
Authoritative Name server
Authoritative Name server cung cấp các kết quả cho các DNS queries của bạn như mail server IP hoặc website IP address. Nó chỉ trả về câu trả lời cho các truy vấn về tên miền được cài đặt trong hệ thống cấu hình của nó mà không lấy các kết quả được lưu từ bộ nhớ cache của các server khác.
Nguyên lý hoạt động
Khi client truy cập một website thông qua tên miền nào đó bằng trình duyệt. DNS nằm trên máy tính của client sẽ kiểm tra xem thông tin cache ở local. Nếu địa chỉ được yêu cầu không có ở đó, nó sẽ tìm một DNS trong mạng cục bộ (LAN). Khi máy chủ DNS cục bộ nhận được truy vấn và tìm thấy tên miền được yêu cầu, nó sẽ trả về kết quả.
Nếu không tìm thấy kết quả, server ở local sẽ điều hướng truy vấn tới DNS cache server, thường là những server của nhà cung cấp dịch vụ (Internet Service Provider – ISP). Vì bộ nhớ đệm của máy chủ DNS cũng là một kho lưu trữ tạm thời các bản ghi DNS, nên nó sẽ đáp ứng được yêu cầu một cách nhanh chóng.
Những loại bản ghi của DNS
Record – bản ghi, là đơn vị thông tin cơ bản trong hệ thống tên miền (DNS) có trong một tệp vùng ASCII được dùng để quản lý một miền. DNS record có rất nhiều loại, trong đó có một số loại thường gặp nhất như:
- CNAME: Trường Giá trị chỉ ra một cái tên thêm vào (alias) của một host nào đó. Kiểu này được dùng để đặt thêm bí danh cho các host trong miền.
- NS (name server): Là DNS server records của tên miền giúp bạn chỉ định nameserver cho từng tên miền phụ.
AAAA: Có nhiệm vụ tương tự như bản ghi A, nhưng thay vì địa chỉ IPv4 sẽ là địa chỉ IPv6.
MX: MX record là một bản ghi chỉ định server nào quản lý các dịch vụ email của tên miền đó.
- TXT: Là record giúp bạn chứa các thông tin dạng text (văn bản) của tên miền
Ngoài ra còn rất nhiều các loại record khác dùng cho những tác vụ riêng biệt như: SRV, PTR, DKIM, SPF…
Một số DNS phổ biến hiện nay
Việc sử dụng các dịch vụ DNS ngày càng phổ biến do lợi ích từ việc tăng tốc độ truy cập, tính ổn định và tính bảo mật. Nhiều công ty lớn cung cấp dịch vụ mạng hiện nay cũng cung cấp các DNS cả miễn phí lẫn trả phí, điển hình ở đây ta thấy như:
- DNS Google: 8.8.8.8 – 8.8.4.4
OpenDNS: 208.67.222.222 – 208.67.220.220
Cloudflare: 1.1.1.1 – 1.0.0.1
- Ở Việt Nam, những nhà cung cấp các dịch vụ mạng như Viettel, FPT hay VNPT cũng có những DNS của riêng mình
Tổng kết:
Như vậy, chúng ta đã đi qua những thông tin cơ bản, và nổi bật của DNS. Mong rằng bài viết DNS những điều bạn cần biết sẽ có ích và giúp đỡ được các bạn trong việc sử dụng DNS cho những mục đích riêng của mình.
Tham khảo
– DNS – Hệ thống phân giải tên miền