“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một câu ca dao được truyền lại từ trăm năm nay để ám chỉ về cách ứng xử, giao tiếp nhằm giáo dục mọi người cách ăn nói, giao tiếp. Và trong khi những kỹ năng giao tiếp, hỏi là một kỹ năng rất khó, và ảnh hưởng tới kết quả của cuộc đối thoại rất nhiều. Và khi đọc cuốn sách Hỏi thông minh đáp cực đỉnh, mình đã biết được rất nhiều điều về cách hỏi, cũng như cách khởi đầu, duy trì hay đi sâu hơn vào một mối quan hệ.

hỏi thông minh, đáp cực đỉnh

1. Giới thiệu về “Hỏi thông minh đáp cực đỉnh”

Cuốn sách Hỏi thông minh đáp cực đỉnh được viết bởi Andrew Sobel, một người là nhà tư vấn chiến lược và kỹ năng về kinh doanh, và Jerold Panas, một CEO của một trong những công ty hàng đầu tại Mỹ.

Cấu trúc cuốn sách bao gồm 36 chương, trong đó 35 chương đầu là 35 câu hỏi cốt yếu mà tác giả đúc kết lại được từ không chỉ cuộc đời họ, mà từ những con người thành công trên nhiều lĩnh vực. Mỗi câu hỏi ở mỗi chương được được lồng ghép vào từng tình huống cụ thể, những hoàn cảnh thực tế và kết thúc bằng việc tổng kết lại câu hỏi và đưa ra những gợi ý khi áp dụng, cũng như những câu hỏi tương tự, câu hỏi kế tiếp nhằm giúp chúng ta có thể dễ dàng sử dụng vào thực tế nhất.

2. Đánh giá nội dung

Ngay chương đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi bằng tiêu đề Đáp án đễ không bằng câu hỏi tốt. Quả thực vậy, một câu hỏi hay ho khiến người khác hứng thú luôn tốt hơn đáp án. Một ví dụ kinh điển nhất, thường gặp nhất cho việc đặt câu hỏi tốt hay không đó là câu “Em ăn cơm chưa?“. Đây là một câu hỏi kinh điển được hỏi nhiều nhất khi một chàng trai trẻ ngây ngô quan tâm đến một cô gái. Quan tâm đến người khác là điều hoàn toàn bình thường, nhưng một câu hỏi nhàm chán, đơn điệu thì không chỉ không thể hiện được tình cảm, mà ngược lại, lại bị đánh giá là ngây ngô và phiền phức.

Quay lại với nội dung cuốn sách. Những tình huống được tác giả sắp xếp vào từng chương đều là những câu chuyện có thật, với mục đích làm cho nội dung của cuốn sách, ý nghĩa của câu hỏi càng gần gũi với tất cả người đọc. Tuy nhiên phần lớn những câu hỏi trong cuốn sách này tập trung chủ yếu vào những vấn đề hay mối quan hệ mang tính chất về công việc nhiều hơn. Đương nhiên, 2 vị tác giả của cuốn sách đều là những nhà tư vấn chiến lược, hay CEO cao cấp của một công ty lớn thì việc viết ra những cuốn sách hỗ trợ công việc là điều không thể tránh khỏi.

Trong công việc, các mối quan hệ chúng ta cần có là gì? Những người chúng ta giao tiếp là ai? Đó là quản lý, giám đốc… hay còn gọi là sếp người mà chúng ta phải rất cẩn trọng trong từng lời nói;  đó là đồng nghiệp những người cùng làm việc với chúng ta, hỗ trợ chúng ta đạt được kết quả; đó là khách hàng, những người chúng ta đưa họ giá trị, những thứ sẽ đánh giá kết quả của công việc chúng ta đang làm. Tựu chung lại, những mối quan hệ trong công việc có ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của chúng ta. Vậy nên giá trị của những câu hỏi mà cuốn sách mang lại là rất lớn.

Tuy rằng phần lớn cuốn sách thiên về những câu hỏi giúp khởi đầu, duy trì và kết nối mối quan hệ trong công việc, nhưng cũng có những câu hỏi mà không phải để hỏi người khác, mà là để hỏi chính bản thân chúng ta. Những câu hỏi giúp chúng ta biết ta là ai, ta muốn gì, sứ mệnh của ta là gì…. Và các bạn biết, những câu hỏi này được đặt ở vị trí nào trong cuốn sách không? Đó là những chương cuối cùng của cuốn sách. Tôi nghĩ rằng việc đặt những câu hỏi này ở cuối sách là một cách nhất mạnh rằng, cho dù chúng ta có cố gắng tạo lập, duy trì các mối quan hệ bên ngoài nhiều và tốt đẹp đi chăng nữa, ta vẫn phải biết cách nhìn về bản thân, đi sâu vào chính con người để hiểu rõ mình hơn. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Mỗi cuốn sách tôi đọc đều có những điểm nhấn khiến tôi nhớ nhất và điểm nhấn của cuốn sách Hỏi thông minh đáp cực đỉnh, cũng chính là câu hỏi cuối cùng trong danh mục những câu hỏi cốt yếu của cuốn sách:

Nếu anh biết mình chỉ sống thêm được ba năm nữa, anh hy vọng sẽ gặp hái được điều gì cho bản thân và công việc?

Đây là một câu hỏi thực sự thấm đối với bản thân tôi, và có lẽ với nhiều người. Trong cuộc đời chúng ta, chẳng ai muốn phải nghĩ tới chuyện ngày mai, ngày kia hay trong một khoảng thời gian gần, cuộc sống mình sẽ chấm dứt. Việc nghĩ tới vậy thôi đôi khi cũng đủ chúng ta hoảng loạn rồi chứ đừng nghĩ tới việc chúng ta sẽ đạt được gì. Vậy mà ở chương thứ 34, tác giả lại đưa ra một tình huống khó khăn như vậy với mục đích gì?

Cuộc đời đôi khi lắm gian truân, đôi khi trong lúc chúng ta đang ở đỉnh cao nhất, hay đang ở khoảng thời gian tươi đẹp thì chúng ta lại gặp phải bất hạnh không đáng có. Vào lúc đó, liệu chúng ta còn có thể làm gì? Bằng cách đặt ra giả thiết về một tương lai đầy bất trắc, tác giả muốn chúng ta hiểu rằng, cho dù là ta trong tình huống hiểm nghèo nhất, éo le nhất, chúng ta vẫn phải sống và nắm giữ những khoảnh khắc mà mình đang có. Biết đâu đó, những tình huống như vậy mới là những khoảnh khắc chúng ta tạo ra được những điều tuyệt vời nhất và đáng nhớ nhất.

Với tôi cũng vậy, khi nhìn lại những gì đã trải qua, những khoảnh khắc khó khăn nhất là những lúc tôi học được nhiều nhất. Ví dụ điển hình nhất, gần đây nhất có lẽ là khoảng thời gian cách li xã hội do dịch covid 19, thay vì lo lắng kêu than hoặc dành thời gian bị cách li vào những việc vô bổ, tôi tập trung vào tìm hiểu những thứ mới mẻ. Và tới giờ, tôi nhận ra mình đã học được rất nhiều điều, nhiều hơn rất nhiều so với khoảng thời gian từ 1 năm trở lại đây. Đúng như câu của một người anh từng nói với tôi, “Trong công việc, thời gian ngắn nhưng ta học hỏi được nhiều tốt hơn là dùng nhiều thời gian mà vô ích”.

 

Xem nhiều bài review hơn tại https://loibui.asia/category/reviews/